Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 4 / PUCL QUYỂN 44 – CHƯƠNG QUÂN THẦN

PUCL QUYỂN 44 – CHƯƠNG QUÂN THẦN

Hỏi: Vì sao núi Kì-xà-quật gọi là Thứu Đầu sơn?
Đáp: Vì người ở thành Vương Xá thấy đỉnh núi này giống đầu chim Thứu.
Lại nữa, trong rừng Thi-đà ở phía nam thành Vương Xá, có nhiều xác người, các chim Thứu thường đến ăn rồi trở về đậu trên đỉnh, nên người bấy giờ gọi núi này là Thứu Đầu sơn. Đây là ngọn núi cao lớn nhất trong năm núi, có nhiều rừng đẹp, suối trong, các bậc Thánh thường trụ ở đó”.
Kinh Đại y ghi “Đức Phật trú tại núi Linh Thứu, thành Vương Xá, đây cũng là nơi nhàn cư của các Đức Phật quá khứ. Nơi này do uy thần của Như Lai tạo nên. Tại đạo tràng nơi ấy, các bồ-tát cùng nhau ca ngợi; nơi pháp tòa vô cực, trời rồng quỉ thần đều qui y đỉnh lễ”.
Luận Đại trí độ ghi:
Hỏi: Lòng từ của Đức Phật trải khắp muôn nơi, vì sao chỉ trụ tại thành Vương Xá mà không trụ những nơi khác?
Đáp: Phật cũng có trụ những nơi khác, nhưng rất ít; phần nhiều Ngài trụ tại thành Vương Xá và thành Xá-bà-đề. Vì các thành khác ở các biên quốc. Hơn nữa thành Di-xa-li có nhiều người xấu ác, căn lành chưa thuần thục, cho nên Đức Phật không trụ. Lại vì tri ân, cho nên Ngài trụ ở hai thành này.
Hỏi: Tri ân như thế nào?
Đáp: Nước Kiều-tất-la là nơi Phật đản sinh, thành Xá-bà-đề là nơi Đức Phật làm pháp chủ.
Hỏi: Nếu nói vì tri ân nên Phật trụ nhiều ở thành Xá-bà-đề, vậy Ca-tì-la-vệ gần nơi Phật đản sinh, tại sao không trú?
Đáp: Đức Phật đã dứt trừ tập khí phiền não, dù ở gần thân thuộc cũng khồng phiền lụy, nhưng các đệ tử chưa hoàn toàn li dục, nếu ở gần thân thuộc thì dễ sinh tâm nhiễm trước. Vì báo ân nơi đã sinh ra sinh thân, nên Thế Tôn phần nhiều trú tại thành Xá-bà-đề. Tất cả chúng sinh đều nên nhớ nơi sinh ra Sinh thân của mình, như bài kệ sau:
Tất cả các luận sư
Quí trọng điều mình biết
Như người nhớ nơi sinh
Xuất gia còn tranh cãi.
Ví báo ân nơi thành tựu pháp thân, nên Đức Phật trú nhiều tại thành Vương Xá. Chư Phật đều yêu kính pháp thân, như bài kệ sau:
Các Đức Phật quá khứ
Hiện tại và vị lai
Đều cung kính tôn trọng
Và cúng dường pháp thân.
Pháp thân nhiệm mầu hơn sinh thân, nên phần nhiều trú ở Vương Xá”.
Có bài tụng:
Quân thần đều cảm đức
Kinh quí cùng gương vàng
sách báu sáng muôn ngàn
Lệnh vua che ánh sáng.
Ô kí khen điềm tốt
Long thư tỏ niềm vui
Vạn quốc đều đến chầu
Trăm quan đều ca ngợi.
Khởi từ Cao, Vũ đế
Kế truyền đến các đời
Vùng Hung di hiểm trở
Dùng uy đức hàng phục.
Lòng từ che chúng sinh
Nghiệp thịnh, thọ mạng dài
Vua hiền lập triều chính
Cao cả thay, thắng nghiệp!
41.7. CẢM ỨNG
41.7.1. Trang Tử Nghi quan nước Yến: Oan hồn chí ghi: “Trang Tử Nghi vô tội mà bị Giản Công giết. Trước khi chết, Tử Nghi nói: ‘Người chết không biết thì thôi, nếu biết thì trong ba năm nhất định sẽ làm cho vua rõ’. Năm sau Giản Công cúng tế tại Tổ Trạch (Yến có Tổ Trạch còn Tống thì có Tang Lâm, là nơi tế tự lởn cùa mỗi nước). Bấy giờ mọi người thấy Tử Nghi đứng bên đường, vác gậy đỏ đánh Giản Công chết ngay trên xe”.
41.7.2. Hán vương Như Ý: Oan hồn chỉ ghi: “Như Ý là con thứ tư của Hán Cao tổ. Bấy giờ con trưởng của Lã hậu đã được phong làm thái tử. Mẹ của Như Ý là Thích phu nhân rất được Cao tổ sủng ái, nhiều lần đế muốn phế thái tử con Lã hậu để lập Như Ý. Quần thần can ngăn, nên phong Như Ý ở đất Triệu. Do việc này mà Lã hậu ganh ghét. Sau khi Cao tổ băng, Lã hậu triệu Như Ý về Trường An, lập mưu giết chết; lại chặt hết tay chân của Thích phu nhân rồi gọi là nhân trệ (heo người), về sau, một hôm Lã hậu đến Bá Thượng cúng tể, trên đường trở về, bà thấy một vật như thiên cẩu chụp vào nách của bà rồi biến mất. Cho người bốc quẻ, trong quẻ nói: ‘Triệu vương Như Ý hiện hồn về quấy phá’. Từ đó nách của Lã hậu bị đau nặng, không bao lâu thì băng”.
41.7.3. Hán Linh đế: Một hôm Hán Linh đế đến Tây viên dạo chơi, bảo các thể nữ giả làm chủ khách xá, còn mình làm thương nhân vào khách xá, các thể nữ dâng rượu, rồi cùng nhau ăn uống. Chủ tớ lấy đó làm vui. Đây là điềm thiên tử sắp mất ngôi, cho nên mới khiến vua giả làm hạng thấp hèn như vậy. Các thiên tử sau truyền lời xưa ràng: ‘Xích ách tam thất’. Tam thất tức ba nhân bảy, thành hai trăm mười năm. Nghĩa là trải qua thời gian này sẽ có người thuộc họ ngoại soán ngôi. Lại thêm giặc Xích Mi soán ngôi, vận nước chỉ còn mười tám năm. Rồi có Tú thánh quân phục hưng vận nước. Lại nữa, trải qua hai trăm mười năm, có giặc Hoàng Đâu làm loạn thiên hạ. Tức là từ đời Cao tổ đến cuối đời Bình đế là hai trăm mười năm, gặp Vương Mãng soán vị. Vương Mãng là thân thuộc của mẫu hậu. Nói mười tám năm, tức phản tặc ở Sơn Đông là Phiền Tử Đô… khởi binh, người này mày đỏ, cho nên mọi người gọi là Xích Mi. Bấy giơ có Quang Vũ phục hưng, Quang Vũ tên là Tú.
Lại nữa, đến niên hiệu Trung Bình thứ nhất (184) đời Linh đế, Trương Giác qui tụ ba mươi sáu vạn binh làm loạn, vài mươi vạn người đầu chít khăn vàng, mọi người gọi là giặc Khăn Vàng, về sau đạo phục của đạo sĩ có màu vàng là bắt đầu từ đây. Giặc Khăn Vàng khởi đầu ở đất Nghiệp, tụ hội ở Chân Định, mê hoặc nhân dân rằng: “Trời xanh đã diệt, trời vàng lập niên, năm Giáp Tí, thiên hạ đại cát”. Khởi ở đất Nghiệp thì thiên hạ mới sáng nghiệp lớn, tụ hội tại Chân Định thì nhân dân mới hướng về lễ lạy tin kính. Triều đình xuất quân đánh vùng Kinh Dương, quân Khăn Vàng thất trận, bỏ tài sản đầy đường, mấy trăm người chết. Trương Giác khởi binh vào tháng hai, đến mùa đông tháng mười hai thì đại bại. Như vậy từ khi Hán Quang Vũ trung hưng đến loạn Khăn Vàng, chưa được hai trăm mười năm mà thiên hạ đã đại loạn, nhà Hán diệt vong, thật ứng hợp với vận hạn “Tam thất” vậy.
41.7.4. Đời Hán Tuyên đế: Nước Yên có ba người nam cùng cưới một người nữ, sinh được bốn người con. Đến khi chia vợ con thì không biết sao cho công bằng, cho nên dẫn đến việc tranh tụng. Đình úy Phạm Diên Thọ xử rằng: “Những kẻ này không phải là người, nên theo lẽ của cầm thú mà định. Vậy con theo mẹ chứ không theo cha, xin giết ba người nam, trả bốn đứa con về với mẹ”. Tuyên đế nghe vậy than:
“Việc này đâu hẳn phải khổ như vậy, có thể nói chỉ đúng lí mà trái tình người. Diên Thọ thấy việc đời mà biết dụng hình, nhưng chưa biết luận đến báo ứng từ tai họa do người gây ra ở mai sau!
41.7.5. Đời Hán Linh đế, vợ ăn thịt chồng: niên hiệu Kiến Ninh thứ ba (170), ở Hà Nội, tức Kí châu, Trung Hoa, có người vợ ăn thịt chồng, còn ở Hà Nam lại có người chồng ăn thịt vợ. Vợ chồng là cái thể âm dương lưỡng nghi, tình nghĩa thật sâu, mà nay lại ăn nuốt lẫn nhau, tức âm dương xâm đoạt; vậy đâu chỉ có mặt trời mặt trăng mới ăn nuốt nhau! Sau khi Hán Linh đế băng, đất nước đại loạn, vua thì bạo ác lạm sát, bề tôi thì có tâm cướp ngôi thí vua, chiến tranh tương tàn, cốt nhục thành thù hận, thật là họa lớn cho nhân dân. Cho nên yêu quái từ đó gây tai họa trước. Tôi hận rằng không gặp việc ấy, may có lời của Đồ Thừa mà dò xét được lòng người.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 52 – CHƯƠNG QUYẾN THUỘC, SO SÁNH, HƠN KÉM

QUYỂN 52 Quyển này gồm hai chương: Quyến thuộc, So sánh hơn kém. 56. CHƯƠNG ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *