Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 3 / PUCL QUYỂN 39 – CHƯƠNG GIÀ LAM

PUCL QUYỂN 39 – CHƯƠNG GIÀ LAM

Kinh Thất Phật ghi: “Có mười tám vị thần thường bảo vệ, giữ gìn tăng-già-lam: Mỹ Âm, Phạm Âm, Thiên cổ, Thán Diệu, Thán Mỹ, Ma Diệu, Lôi Âm, Sư Tử, Diệu Thán, Phạm Hưởng, Nhân Âm, Phật Nô, Thán Đức, Quảng Mục, Diệu Nhãn, Triệt Thính, Triệt Thị, Biến Thị.
Chùa tháp đã có thần bảo vệ, giữ gìn thì người ở đó cũng phải siêng năng, tu tập không được lười biếng, vì sợ sẽ chuốc lấy quả báo hiện tại”.
36.3. KÍNH LỄ
* Lời bàn
Theo phong tục Tây Vực, hễ nam hay nữ vừa đến cổng chùa, vì vui đã gặp được chùa, nên trước hết sửa y phục ngay ngắn, lễ chung một lạy. Sau khi vào bên trong cổng, lại lễ một lạy, rồi khoan thai bước thẳng, không được ngoảnh nhìn hai bên.
Kinh Niết-bàn ghi: “Khi đến tăng phường, cần phải thực hành bảy việc: khởi lòng tin, lễ lạy, nghe pháp, chí tâm, suy nghĩ ý nghĩa pháp được nghe, thực hành đúng như lời dạy, hồi hướng Đại thừa giúp nhiều người được lợi ích an lạc. Giữ bảy việc thiện này thì được công đức cao hơn cả, không thể thí dụ được’’.
Kinh Úc-già trưởng giả ghi: “Đức Phật bảo:
– Này trưởng giả! Bồ-tát tại gia khi vào chùa hoặc tinh xá, nên đứng ngoài cửa nhất tâm lễ lạy. Sau đó, bước vào chùa, suy nghĩ: ‘Bao giờ ta mới được vào chùa, nơi xa lìa trần cấu như thế”’.
Luận Thập trụ tì-bà-sa ghi: “Nếu bồ-tát tại gia vào chùa, trước khi vào nên ở ngoài cổng lạy sát đất và suy nghĩ: ‘Đây là nơi ở của bậc thiện nhân, của người tu hạnh từ, bi, hỉ, xả, cho nên cần phải lễ’. Nếu thấy các tăng sĩ có đầy đủ oai nghi thì cung kính lễ lạy, gần gũi, thăm hỏi”.
Kinh Tự ái ghi: “Bấy giờ, có một vị vua đến chỗ Đức Phật. Từ xa nhìn thấy tinh xá, nhà vua liền xuống xe, bỏ lọng, tháo gươm, cởi giày, chắp tay đi thẳng đến”.
Luật Tăng-kì ghi: “Khi đi thì nhìn thẳng, lúc quay lại thì quay cả người. Khi bước đi, gót chân chạm đất trước, các ngón chân chạm đất sau”.
Luận Trỉ độ ghi: “Ra vào lui tới nhất tâm an ổn, khi đi phải nhìn xuống đất, vì tránh loạn tâm và bảo vệ chúng sinh. Đó là oai nghi của bồ-tát bất thoái”.
Tây quốc tự đồ ghi: “Đến chỗ của Phật, lễ ba lạy xong, nhiễu ba vòng, tán tụng ba biến. Sau khi lễ Phật xong, mới đến tăng phòng. Ở ngoài phòng lễ một lạy, rồi vào yết kiến vị thượng tọa, tuần tự đến vị hạ tọa, phải lễ mỗi vị ba lạy; nếu tăng đông thì lễ một lạy. Nếu thấy việc không đúng pháp trong tăng cũng không nên chê trách. Nếu không sẽ đánh mất lợi ích, đó không phải là việc nên làm khi vào chùa”.
Kinh Niết-bàn ghi: “Nên bỏ dao, gậy và các vật linh tinh rồi mới vào chùa. Bỏ dao gậy tức là bỏ lòng giận hờn Tam bảo; bỏ vật linh tinh tức là bỏ tâm cầu xin Tam bảo. Hãy bỏ hai lỗi ấy, rồi mới vào chùa. Nhiễu Phật theo chiều thuận, không được đi theo chiều nghịch. Giả sử gặp vật chướng ngại buộc phải đi theo bên trái, thì phải luôn luôn nghĩ tưởng Phật ở bên phải. Lúc vào hoặc ra khỏi chùa đều quay mặt về phía Phật. Người lễ lạy Tam bảo phải luôn nhớ thể cùa Tam bảo chỉ là một. Vì sao? Vì giác ngộ trọn vẹn được gọi là Phật, đạo được giác ngộ gọi là pháp, người tu học Phật đạo gọi là tăng. Cho nên, phải biết tất cả phàm thánh chỉ đồng một thể, không hai. Khi vào chùa, nên cúi đầu nhìn xuống đất, không được nhìn lên cao; thấy côn trùng trên đất thì đừng làm tổn thương chúng. Phải ca ngợi Tam bảo, không được khạc nhổ trong khuôn viên chùa, nếu thấy có rác dơ bẩn thì phải dọn sạch”.
Luật Tứ phần ghi: “Vào chùa, trước hết phải lễ tháp Phật, kế đó lễ tháp thanh văn, sau đó lễ vị thượng tọa lớn nhất, cho đến vị thượng tọa thứ tư”.
Luật Ngũ phần ghi: “Nếu vào chùa có nhiều tăng thì chỉ lễ riêng sư trưởng, còn những người khác thì lễ chung, rồi rời chùa”.
Luật Tứ phần lại ghi: “Phải lễ tháp Như Lai và tháp của năm chúng xuất gia”.
Ngũ bách vấn sự ghi: “Đệ tử phải lễ tháp của thầy để báo ân”.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Khi ở trong tháp, không được lễ người khác”.
Luật Thập tụng ghi: “Khi đứng trước tháp Phật và tháp thanh văn, không được lễ lẫn nhau”.
Ngũ bách vấn sự cũng ghi: “Ở trước tháp Phật mà lễ người khác thì phạm tội”.
Kinh Tam thiên oai nghi ghi: “Không được ngồi trên cao mà lễ”.
(Thời nay, thường ở một số chùa và các nhà cư sĩ, có người xuất gia và tại gia ngồi trên giường lễ Phật, đó là quá kiêu mạn. Vỉ dụ muốn lạy nhà vua, đâu được ở trên giường mà lạy! Đối với vua nhân gian còn không được phẻp như thế, huống gì đối với Pháp vương mà được làm theo cách ấy sao?)
Luận Tì-ni mẫu ghi: “Không được mang giày dép và vớ vào tháp”.
Ngũ bách vấn sự ghi: “Nếu là giày dép và vớ sạch mới thì được mang khi lễ lạy”.
Luật Tăng-kì ghi: “Nếu đã nhận sự lễ lạy của người, không được im lặng như con dê câm, mà phải hỏi thăm Thí chủ khỏe và an vui không, đi đường có mệt nhọc không?’’
* Lời bàn
Nếu cư sĩ gặp nạn, phải đến chùa xin nghỉ qua đêm thì không được nằm trên giường chiếu của chư tăng. Nếu không có đồ nằm riêng của mình thì nên mượn đồ nằm đúng phép tắc, nhưng cũng không được chung giường với tăng.
Kinh Bảo lương ghi: “Nằm chung giường với tăng thì nửa người sẽ bị khô, sau khi chết đọa địa ngục, chịu khổ cùng cực”.
Khi tăng chưa ngủ, không được ngủ trước, không được đùa giỡn, cười nói những lời không đúng pháp, mất oai nghi, động tâm mọi người. Nếu ban đêm có đại tiểu tiện, hỉ mũi, khạc nhổ, vì cầu pháp mà không ra ngoài được thì không phạm. Khi ngủ, phải nằm nghiêng về bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, tâm nghĩ đến trời sáng, ghi nhớ phải dậy sớm. Đó là biểu hiện nhân xuất gia”.
Do đó, kinh ghi: “Nằm ngửa là cách nằm của a-tu-la; nằm sấp là cách nằm của ngạ quỉ; nằm nghiêng bên trái là cách nằm của người tham dục; nằm nghiêng bên phải là tư thế nằm của người xuất gia”.
Phải thức dậy trước chư tăng, rửa mặt, sửa y phục ngay ngắn, đến trước phòng của tăng.
Kinh Sa-di oai nghi ghi: “Nếu muốn vào phòng của thầy, phải búng tay ba lần”.
Kinh Tam thiên uy nghi cũng ghi: “Nếu vào phòng của thầy, phải giữ đủ năm phép tắc: một, búng tay ở ngoài phòng thầy; hai, phải bỏ mũ; ba, phải lễ lạy; bốn, đứng thẳng, thầy cho ngồi mới được ngồi; năm, không quên trì kinh”,
Luật Tăng-kì ghi: “Đệ tử phải thức dậy sớm đến phòng thầy, bước chân phải vào trước, lạy sát chân thầy”.
Luận Thiện kiến ghi: “Đệ tử tham vấn thầy nên tránh sáu vị trí:
1. Không được đứng ngay trước mặt thầy
2. Không được ở sau lưng thầy
3. Không được ở quá xa thầy
4. Không được đến quá gần thầy
5. Không được đứng ở chỗ cao hỏi thầy
6. Không được đứng trên gió.
Nên đứng một bên không quá gần hoặc quá xa, thầy nói nhỏ có thể nghe được, để không làm tổn sức của thầy. Khi thầy muốn đi, trong mọi hành động cử chỉ đều không được rời xa thầy.
Luận Thiện kiến ghi: “Đệ tử đi theo thày, không được đi cách thầy bảy thước”.
Kinh Sa-di oai nghi ghi: “Đệ tử đi theo thầy không được đạp chân lên bóng thầy”.
* Lời bàn
Nếu phụ nữ vào chùa, cũng giữ phép tắc như trên, nhưng không được ngồi phía trước nam giới, không được trò chuyện, cười cợt, trang điểm son phân, vẽ lông mày, đùa giỡn trái phép tắc, kích động lẫn nhau, lại không được chạm tay vào người khác. Cần phải nhiếp tâm giữ nét mặt nghiêm trang, vâng theo lời người trong chùa dạy bảo, theo thứ tự cầm hương nhất tâm cúng dường, sám hối tự trách rằng: “Mình bị sinh làm người nữ, luôn có chướng ngại, không đủ nhân duyên tu tập diệu pháp, không được tự chủ, phải làm theo ý người khác, thật khổ thay!”. Phải thật lòng đau xót. Nếu thấy sa-di, phải lễ như lễ tì-kheo, đừng cho là người nhỏ mà không cung kính, vì vị này tuy nhỏ hơn tì-kheo, nhưng tôn quí hơn người thế tục. Phải hết sức thực hành những phép tắc như thế.
Có nhiều phép tắc cho người nữ được ghi chép đầy đủ trong thiên Sĩ nữ.
* Lời bàn

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 36 – TREO TRÀNG PHAN, HƯƠNG HOA, TÁN TỤNG

QUYỂN 36 Quyển này gồm hai chương: Treo tràng phan, Hoa hương, Tán tụng. 32. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *