Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 3 / PUCL QUYỂN 35 – CHƯƠNG PHÁP PHỤC, NHIÊN ĐĂNG

PUCL QUYỂN 35 – CHƯƠNG PHÁP PHỤC, NHIÊN ĐĂNG

Đàm-vô Quật-đa-già bộ thông suốt nghĩa lí, giảng thuyết làm lợi ích, phát triển nghĩa thù thắng, đắp y màu tía.
Tát-bà-đa bộ thông minh sáng suốt, thuyết pháp giáo hóa, mặc y màu đen.
Ca-diếp-duy bộ siêng năng dũng mãnh, nhiếp hộ chúng sinh, mặc y màu mộc lan.
Di-sa-tắc bộ thiền định vắng lặng, hiểu thấu nghĩa mầu, mặc y màu xanh.
Vì vậy, tì-kheo La-tuần-du đi khất thực không được thức ăn, sau đó lấy năm loại luật y mặc chồng lên nhau, liền được nhiều thức ăn. Tại sao? Vì đời trước ông có tính hay ghen ghét, thấy sa-môn đến liền đóng cửa và nói: ‘Đại nhân đi vắng!’. Nhưng ông thấy người khác bố thí thì sinh lòng vui vẻ và nhiếp niệm, phát nguyện làm sa-môn. Do nhân duyên đó, nay tuy thân xuất gia, nhưng nghèo cùng khốn khổ như vậy.
Người xuất gia trong pháp của Ta nên dùng vải màu đen, vải cũ xấu, vải liệm tử thi để may y phục. Do tì-kheo La-tuần-du cố ý nhận đủ loại vải vóc, nên Phật chế định như vậy”.
Tam thiên uy nghi chép: “Nếu sang một nước có bốn trường hợp sau đây mà không đắp ca-sa thì không phạm tội:
1- Không có chùa tháp
2- Không có tì-kheo
3- Có giặc cướp
4- Vua nước kia không thích đạo”.
30.4. CỨU NẠN
Luật Tăng-kì ghi: “Khi Đức Phật còn tại thế, tôn giả Đạt-ni-ca lén lấy gỗ của quan, tội không thể tha. Vì vua Bình-sa tin kính Tam bảo, nên khi thấy tì-kheo Đạt-ni-ca đắp ca-sa, vua liền nguôi giận không bắt tội.
Các tì-kheo đem việc ấy hỏi Đức Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Kiếp trước tì-kheo Đạt-ni-ca tạo nghiệp gì, nay được vua Bình-sa tha tội như vậy?
Đức Phật dạy:
– Các tì-kheo! Vào thời quá khứ xa xưa, lúc ấy có một kim sí điểu chúa rất lớn, hai cánh dang rộng hơn sáu nghìn dặm, thường vào biển bắt rồng ăn. Loài rồng sợ kim sí điểu, nên xin ca-sa móc trên cửa cung, kim sí thấy ca-sa liền sinh tâm cung kính, không đến bắt rồng ăn như trước nữa.
Sau đó, kim sí điểu dùng đôi cánh quạt nước xẻ đôi ra rồi vào biển bắt rồng. Lúc bấy giờ, có một con rồng bị kim sí điểu đuổi bắt, liền lấy ca-sa đội lên đầu rồi chạy lên bờ. Khi đó, kim sí điểu hóa thành một vị bà-la-môn đuổi theo rồng và hỏi: ‘Tại sao ngươi không bỏ ca-sa xuống?’. Vì rồng sợ chết nên giữ chặt ca-sa, không chịu bỏ. Bấy giờ, bên bờ biển có một vị tiên nhân; trong lúc quá sợ hãi, rồng chạy thẳng đến bên tiên nhân. Kim sí thấy tiên nhân, nên không dám đuổi nữa. Tiên nhân liền xuất định thuyết pháp cho chim nghe, bảo chim hướng đến rồng cùng nhau sám hối, rồi mỗi con đi mỗi đường.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Vị tiên nhân lúc xưa chính là Ta; kim sí điểu là vua Bình-sa; con rồng lúc ấy chính là Đạt-ni-ca. Ngày xưa, Đạt-ni-ca nhờ đội ca-sa, nên không bị chim ăn, nay nhờ mặc ca-sa của Ta mà thoát khỏi nạn vua, xuất gia tu học, chứng quả A-la-hán. Thế mới biết, ca-sa có uy lực không thể nghĩ bàn”.
Kinh Hải long vương ghi: “Có một con rồng chúa bạch Đức Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Ở trong biển này có vô số loài rồng, nhưng thường bị bốn loài kim sí điểu bắt ăn thịt, xin Phật che chở cho chúng con được an ổn!
Đức Thế Tôn liền cởi chiếc y màu đen trên thân trao cho Hải long vương và bảo:
– Ngươi lấy chiếc y này phân chia đều cho tất cả các loài rồng, kim sí điểu chúa chỉ thấy một sợi tơ của y cũng không thể phạm đến. Con nào giữ giới cấm thì nguyện ước sẽ thành tựu.
Bấy giờ các loài rồng vẫn còn lo sợ, tất cả đều nghĩ: Y đen của Phật rất nhỏ, làm sao đủ chia hết cho rồng ở trong biển?’. Đức Phật biết rồng còn nghi ngờ, nên bảo rồng chúa:
– Giả sử lấy y đen của Như Lai phân đều cho tất cả nhân dân trong tam thiên đại thiên thế giới cũng không thể hết. Thí như hư không, tùy theo nhu cầu của mỗi người mà tự nhiên sinh ra.
Rồng nhận y của Phật, phân ra vô lượng trăm nghìn vạn miếng, rồi chia cho tất cả loài rồng. Dù đã cấp đủ, nhưng y vẫn như cũ. Nên kính y này như kính Thế Tôn, như kính chùa tháp.
Phật dạy:
– Thấy y Như Lai liền thoát thân rồng, vào kiếp Hiền được siêu thoát, sẽ chứng niêt-bàn.
Bấy giờ, bốn con kim sí điểu chúa cùng nghìn quyến thuộc đều đến bạch Phật:
– Hôm nay chúng con muốn qui y Tam bảo, sám hối những tội lỗi trước đã phạm, giữ gìn giới cấm. Từ nay trở về sau, chúng con không gây ra nỗi sợ hãi cho loài rồng, trọn đời ủng hộ chính pháp, không trái lời Phật dạy.
Phật bảo bốn kim sí điểu chúa:
– Vào thời Kim Nhân Phật, bốn ông là bốn vị tì-kheo tên là Hoan Lạc, Đại Hoan Lạc, Thượng Thắng và Thượng Hữu. Bốn tì-kheo này thường phạm giới luật, tham của cúng dường, không giữ thân miệng ý, làm nhiều điều ác. Nhưng cũng chính những tì-kheo đó cúng dường Kim Nhân Phật không thể tính kể. Do đó mà các ông không đọa địa ngục, chỉ đọa làm súc sinh, sát sinh nhiều không thể tính kể.
Kế đó Đức Phật vận sức thần thông làm cho chúng biết kiếp trước và nhớ lại những điều tội phúc của chúng đã làm. Bốn kim sí điểu nghĩ: ‘Từ nay chúng ta dù có bỏ thân mạng này cũng không dám làm điều ác’. Đức Phật lại thuyết kinh và thụ kí:
– Lúc Phật Di-lặc xuất hiện, trong hội thứ nhất các ngươi sẽ được độ”.
30.5. CẢM BÁO
Kinh Bách duyên ghi: “Lúc Đức Phật còn tại thế, trong thành Ca-tì-la-vệ có một trưởng giả tên là Cù-sa. Vợ của ông sinh được một bé gái xinh đẹp tuyệt trần, lúc sinh ra có tấm lụa trắng bọc thân, nhân đó hai vợ chồng đặt tên cho con là Bạch Tịnh. Năm tháng trôi qua, đứa bé lớn lên, tấm lụa ấy cũng lớn theo và vẫn trắng sạch không cần giặt tẩy. Mọi người thấy vậy, tranh nhau đến xin.
Một hôm, Bạch Tịnh thưa với cha mẹ:
– Nay con không tham vinh hoa phú quý thế gian, muốn xin xuất gia.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 37 – CHƯƠNG KÍNH PHÁP

QUYỂN 37 Quyển này có một chương Kính tháp. 35. CHƯƠNG KÍNH THÁP 35.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *