Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 3 / PUCL QUYỂN 35 – CHƯƠNG PHÁP PHỤC, NHIÊN ĐĂNG

PUCL QUYỂN 35 – CHƯƠNG PHÁP PHỤC, NHIÊN ĐĂNG

Kinh Thí dụ ghi: “Khi Đức Phật còn ở đời, có lần đệ tử lớn của Phật là Đại Mục-kiền-liên vận thần thông bay lên cung trời Đao-lợi, vào vườn của Đế Thích dạo chơi, quan sát khắp nơi. Tôn giả thấy một thiên nữ xinh đẹp lạ thường, thân có ánh sáng chiếu rực rỡ hơn các thiên nữ khác, liền hỏi thiên nữ:
– Kiếp trước cô gieo trồng phúc duyên gì mà nay được quả báo xinh đẹp và có ánh sáng như vậy?
Thiên nữ đáp:
– Kiếp trước tôi là một cung nữ trong cung của vua Bình-sa. Khi ấy, trong cung có ngôi tinh xá thờ Phật. Một đêm nọ, tôi vào tinh xá thấy tháp Phật tối tăm, tôi liền đốt đèn đặt trong đó. Nhờ nhân duyên đó mà nay được thân có ánh sáng tuyệt đẹp, được sinh lên trời hưởng phúc, vô cùng an vui”.
Kinh Thí dụ ghi: “Lúc Đức Phật còn ở đời, các đệ tử, mỗi vị có năng lực khác nhau, như tôn giả Xá-lợi-phất là trí tuệ số một; tôn giả Đại Mục-liên thần thông số một; tôn giả A-na-luật thiên nhãn số một, có thể nhìn thấy đến ba nghìn đại thiên thế giới, thậm chí những hạt bụi nhỏ ở nơi tối tăm.
Tôn giả A-nan thấy thế, hỏi Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Tì-kheo A-na-luật đời trước tạo nghiệp gì mà nay được thiên nhãn như thế?
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
– Vào thời quá khứ cách đây chín mươi mốt kiếp, sau khi Đức Phật Tì-bà-thi nhập niết-bàn, bấy giờ A-na-luật là một tên cướp, vào trong tháp Phật định trộm đồ vật, tình cờ nhìn thấy ngọn đèn trước tượng Phật sắp tắt, ông lấy mũi tên khêu tim đèn cho sáng. Nhờ đó, tên cướp nhìn thấy oai quang của Phật và tự nhiên toàn thân rúng động, liền nghĩ: ‘Người khác có thể bỏ tài vật để cầu phúc, tại sao ta lại lấy trộm!’. Tên cướp nghĩ vậy rồi bỏ đi. Nhờ phúc đức nhân duyên sửa tim đèn cho sáng mà từ đó đến nay, trải qua chín mươi mốt kiếp A-na-luật thường sinh vào cõi lành, dần dần từ bỏ việc ác, phúc đức ngày càng thêm lớn. Cho đến hôm nay ông ấy được gặp Ta, rồi xuất gia tu học, chứng quả A-la-hán, là người có thiên nhãn số một trong chúng.
Bỏ tài vật đánh cướp mà còn được quả báo như thế, huống gì người có lòng thành xả bỏ. Thế mới biết, thắp đèn cúng dường Phật được phúc đức khó có thể suy lường”.
Luận Trí độ ghi: “Nếu người nào trộm hạt châu và đèn trong tháp Phật, sau khi chết bị đọa vào địa ngục. Nếu được làm người thì đời đời sinh ra đều bị mù”
Kinh Quán đỉnh ghi: “Bồ-tát Cứu Thoát bạch Phật:
– Nếu nam, nữ nào bị bệnh nặng, đau đớn khổ sở, không có người cứu giúp, con khuyên họ thỉnh chúng tăng tụng kinh này bốn mươi chín biến, giữ trai giới trong bảy ngày bảy đêm, nhất tâm thụ trì tám cấm giới, sáu thời lễ bái, họ đốt đèn bảy tầng, treo thần phan tục mạng năm màu.
Tôn già A-nan hỏi bồ-tát Cứu Thoát:
– Cách thức làm đèn, thần phan tục mạng như thế nào?
Bồ-tát Cứu Thoát nói:
– Phải làm thần phan năm sắc dài bốn mươi chín thước. Làm đèn bảy tầng, mỗi tầng đặt bảy ngọn, sắp thành hình tròn.
Nếu người nào gặp hiểm nạn hay bị trói buộc, giam cầm trong chốn lao tù cũng nên làm thần phan tục mạng, đốt đèn bảy tầng và phóng sinh bốn mươi chín loài vật thì được thoát khỏi những nạn đó, cũng không bị những loài quỷ dữ hãm hại”.
Kinh Siêu nhật minh tam-muội ghi: “Nhật Thiên Vương cùng vô số trời người đến chỗ Phật đỉnh lễ và hỏi:
– Bạch đức Thế Tôn! Tạo nhân gì để có mặt trời chiếu sáng khắp thiên hạ? Vì duyên gì để được mặt trăng chiếu trừ đêm tối?
Đức Phật đáp:
– Có bốn việc: Một, thường vui vẻ bố thí; hai, tu thân, hành vi cẩn trọng; ba, giữ giới thanh tịnh; bốn, tháp đèn cúng dường Phật. Hoặc thường cung cấp ánh sáng cho cha mẹ, sa-môn, đạo nhân và giữ thân khẩu ý không sát sinh v.v. .. hành trì mười điều thiện.
Phật lại bảo:
Có bốn việc được làm Nguyệt vương: Một, bố thí cho người nghèo khổ; hai, phụng trì năm giới; ba, kính thờ Tam bảo; bốn, thường cấp đèn cho vua, cha mẹ, thầy tổ”.
Luật Tăng-kì ghi: “Đức Phật dạy:
– Từ nay về sau, khi đốt đèn, cho phép đặt mồi lửa một bên, rồi lần lượt đốt. Trước hết nên để đèn nơi thờ xá-lợi và hình tượng Phật, lễ bái xong, theo thứ tự mà đốt. Khi tắt đèn, thì tắt những nơi khác trước, rồi mới tát đèn trước Phật và xá-lợi, đồng thời nên bảo: ‘Các đại đức không được dùng miệng thổi đèn (vì có trùng trong lửa, sợ hơi thở của người làm tắn hại loài trùng, nên không cho phép thổi), chỉ cho phép dùng tay, hoặc dùng y quạt đèn, phải cúi thấp đầu xuống để mồi lửa. Khi mang đèn vào không được vội vàng, nên xướng lên rằng: ‘Các đại đức! sắp đưa đèn vào!’ rồi mới được vào, nếu không làm như thế, sẽ bị tội việt uy nghi?!”.
Tam thiên uy nghi ghi: “Khi đốt đèn, phải chú ý năm việc:
1. Nên lấy khăn lau bên trong và ngoài đèn cho sạch.
2. Phải làm sạch tim đèn.
3. Phải tự làm dầu.
4. Khi châm dầu không được quá đầy, cũng không được quá ít.
5. Phải giữ chắc, không được treo làm trở ngại người hành đạo”.
Ngũ bách vấn sự ghi: “Giữ ánh sáng trước Phật ban ngày cũng không được tắt. Tuy Phật không có sáng tối, nhưng thí chủ không giới hạn ngày tắt, đêm thắp. Vì thế, nếu để đèn tắt là có tội”.
Đại Đường tam tạng Ba-phả-sư ghi: “Đèn thắp trước Phật, nếu không vững dễ ngã đổ, có thể đặt vật một bên để giữ đèn, nhưng không che mất ánh sáng thì được”.
Có bài tụng:
Cành sen kết vô tận
Mây hoa phủ mấy tầng
Đan trúc tạo hình voi
Buộc lau lại thành rồng
Than rơi đốt đèn sáng
Dầu tuôn ướt non xanh
Nếu như cung trời sáng
Ắt sẽ gặp Đăng vương.
31.2. CẢM ỨNG

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 37 – CHƯƠNG KÍNH PHÁP

QUYỂN 37 Quyển này có một chương Kính tháp. 35. CHƯƠNG KÍNH THÁP 35.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *