Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 3 / PUCL QUYỂN 28 – CHƯƠNG THẦN DỊ

PUCL QUYỂN 28 – CHƯƠNG THẦN DỊ

20.6.17. Tạp sự
Thuật chính kí ghi: “Hoàn Xung làm thứ sử ở Giang châu. Một hôm, ông sai người đi khắp Lô sơn để mong thấy việc linh dị. Khi lên đỉnh núi cao, thấy một cái hồ, chung quanh có những cây dâu và bầy thiên nga trắng. Trong hồ có con cá vẩy đỏ và chiếc thuyền lớn bị hư. Người này quá khát, muốn đến đó uống nước thì thấy cá vẩy đỏ giương vây hướng về mình, nên không dám uống”.
Kinh Thần dị ghi: “Vùng hoang vu ở phương bắc có một cái hồ rộng nghìn dặm, mặt hồ bằng phẳng. Trong hồ có con cá dài bảy, tám thước, giống cá lóc, nhưng mất đỏ, ban đêm hóa làm người. Đâm nó cũng không thủng, nấu nó cũng không chết. Nhưng khi đem nấu chung với mười bốn quả ô mai thì nó sẽ chín, người bịnh tà ăn thì sẽ lành”.
Địa kính đồ ghi: “Hễ báu vật ẩn trong thành quách, đồi gò, tường vách thì cây cối nơi ấy biến đổi, thấy có cây khô bị gãy là dấu hiệu có báu vật gần đó. Nhìn cây khô này hướng đến nơi nào thì nơi ấy có của báu. Hễ có vàng thì vàng thường biến thành bầy rắn. Khi thấy chúng thì phải cởi một chiếc giày, hoặc dép ném vào. Nếu chúng chìm lặn mất nơi nào thỉ nơi đó có kho báu. Nếu không nhớ kho báu ở đâu thì lấy một cái mâm lớn bằng đồng chứa đầy nước, rưới vào chỗ đất nghi ngờ, rồi vừa đi vừa dùng mâm đồng chiếu soi. Nếu thấy ảnh người nơi nào thì dưới nơi đó có kho báu .
Địa kính đồ ghi: “Thấy ngói trên mái nhà không có sương thì dưới đó có kho báu”.
Yến Tử Xuân Thu ghi: “Viên ngọc họ Hòa, khúc gỗ của làng Tỉnh, nhờ thợ giỏi mài giũa, khắc chạm mà thành báu vật của đất nước”.
Thuật dị kí ghi:
– Men theo dòng Trường Giang, đi về phía tây, cách huyện Vu Đô, Nam Khang ba dặm thì đến Mộng Khẩu, ở đó có hang đá. Người xưa tương truyền:
“Một hôm, có con gà thần màu vàng ròng từ trong hang này bước ra, giương cánh, lượn vòng, cất tiếng gáy một hơi dài, vang thấu trời. Thấy có người, nó liền bay vào hang. Nhân đó, người ta gọi hang này là hang Kim Kê.
Có người cày ruộng bên núi này, từ xa thấy con gà ra khỏi hang dạo chơi, một người cao lớn bắn vào nó một viên đạn. Từ xa trông thấy, nó liền bay vào hang. Viên đạn có đường kính sáu thước, rơi xuống lấp cả miệng hang, vẫn còn khe hở, nhưng con người không thể lách vào.
– Lại có người chèo thuyền từ hạ lưu đến huyện này, khi cách bờ chưa đầy vài dặm thì có một người mặc quần áo màu vàng, gánh hai giỏ dưa vàng, xin đi nhờ. Người này lại xin thức ăn, người chèo thuyền liền cho. Khi ăn xong thì thuyền vừa cập bến. Người chèo thuyền xin dưa, người này chẳng những không cho, mà còn nhổ nước bọt lên bàn ăn, rồi đi thẳng lên bờ, người chèo thuyền rất tức giận. Nhưng khi thấy người này đi vào hang đá thì mới biết là thần linh, người chèo thuyền cầm bát cơm lên xem và nhìn lại nước bọt trên bàn thì thấy là vàng ròng.
Ngô lục ghi: “Ở huyện Bắc Cảnh, Nhựt Nam có loài chuột lửa, lông nó dệt làm vải, khi đốt thì vải này đẹp hơn, gọi là vải Hỏa hoán”. Tấn Dương Xuân Thu ghi: “Hữu ti tâu lên, Võ đế vẫn như xưa cho đây là thuật dối người, nên không chấp nhận”.
Sưu thần kí ghi:

– Trên dãy Côn Lôn có núi lửa. Chim thú, cây cỏ đều sinh sống trong lửa. Cho nên vải Hỏa Hoán nếu chẳng phải dệt từ vỏ cây thì cũng từ lông của loài thú sống trong núi này.
-Ngụy Văn đế cho rằng tính của lửa vô cùng nóng, không có sinh khí. Nên soạn luận về vải này rồi cho khắc dựng ngoài cửa tôn miếu. Bấy giờ, sứ Tây Vực dâng ca-sa làm bằng vải Hỏa Hoán. Thế là luận này bị dẹp bỏ.
Địa kính đồ ghi: “Trên núi nào có cây hẹ thì núi này nhất định có vàng”.
Bão Phác Tử ghi: “Cây trong núi nói tiếng người, thật ra chẳng phải do cây nói, mà là tinh của cây, gọi là Vân Dương nói. Buổi tối, ở trong núi mà thấy có ánh sáng, đều do cây khô lâu năm phát ra, đừng kinh ngạc! Buổi trưa, trong núi có người tự xưng là tiên nhân thì đó là cây lâu năm biến ra”.
Tôn Xước nói: “Người sống gần biển và người sống vùng núi bàn luận về thổ sản. Người sống ở biển nói:
– Trong biển có loại cá, đầu cao như Hoa sơn, hớp một cái, sóng dậy vạn khoảnh.
Người sống vùng núi nói:
– Trong rừng có một cây, chu vi ba vạn tầm, cao nghìn dặm, che mát cả mấy quốc gia.
Lại có người khác nói:
– Ở phương đông xa xôi có một người khổng lồ chặt cây này làm roi, nhưng chê roi ngắn không thể đánh được. Lại câu cá này làm món ăn thi cũng chẳng được một miếng”.
Huyền trung kí ghi: “Nhựa cây trăm năm đỏ như máu, tinh của cây nghìn năm biến thành dê đen, tinh của cây vạn năm biến thành con trâu”.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 37 – CHƯƠNG KÍNH PHÁP

QUYỂN 37 Quyển này có một chương Kính tháp. 35. CHƯƠNG KÍNH THÁP 35.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *