Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 2 / PUCL QUYỂN 14 – CHƯƠNG KÍNH PHẬT (tt)

PUCL QUYỂN 14 – CHƯƠNG KÍNH PHẬT (tt)

Hỏi: Nay trên núi Đàn Đài phía nam cung Ngọc Hoa có một ngôi tháp xây bằng gạch, bề mặt rộng bốn mươi bước, tầng dưới rât vững chắc. Bốn mặt tháp đều có khám đá, một bên tháp có những đống gạch vụn, lại có hơn ba mươi lò nung gạch. Những người già chẳng biết tháp xuất hiện vào thời đại nào, nhưng vẫn thường nghe tiếng chuông từ tháp phát ra?
Đáp: Đó là chùa Linh Sơn do Chu Mục vương tạo. Thời vua A-dục, ông lệnh cho sơn thần dựng tháp ở đây. Đến thời Tây Tấn, loạn Ngũ Hồ nắm quyền, ở kinh đô Trường An, Lưu Diệu20 (?-328) nhiều lần mộng thấy Phật thị hiện ở trong tháp gạch tại núi này. Ngài ngồi nói với Diệu: ‘Ông nên giảm bớt uống rượu, chớ đam mê sắc dục, nên phế bỏ nịnh thần, trọng dụng bậc trung lương’, nhưng Diệu không nghe. Sau đó vì say rượu mà rơi xuống ngựa ở Lạc Dương nên bị Thạch Lặc21 (247-333) bắt.
Trước đó, do mộng thấy như vậy nên khi tinh dậy Diệu sai người tìm đến núi này hỏi về ngôi tháp thì thấy có một tượng Phật ngồi trong một ngôi tháp gạch nhỏ. Thấy ứng hợp với điềm mộng, ông bèn phá ngôi tháp nhỏ xây lại một ngôi tháp lớn, cao một trăm chín mươi cấp và đồng thời dựng một ngôi chùa đặt tên là Pháp Đăng rất nguy nga tráng lệ. Lại thỉnh ba trăm vị tăng trụ ở đây. Diệu mất, nhà Hậu Triệu thay thế, chùa có bốn mươi ba người tu tập chứng đắc ba quả thánh. Thần núi bèn dựng một ngôi chùa sau tháp để cúng dường các thánh tăng. Các vị thần lại đi đên núi Thái Bạch hái cỏ chi22 dâng cúng thánh tàng, chư tăng thụ dụng đều kéo dài tuổi thọ. Chùa nay vẫn còn, nhưng người phàm chẳng thấy, tiếng chuông mà người nghe được chính là chuông ở chùa này. Nền tháp tuy là của Lưu Diệu tạo, nhưng là nơi mà Mục vương lập chùa và cũng là ngôi chùa cổ thời Phật Ca diếp.
Niên hiệu Trinh Quán (627-648), người ta thấy bầy nai thường tụ tập trên núi cạnh sông Từ Điểu, phía bắc cung Ngọc Hoa. Chúng đến rồi lại đi. Có người lấy làm lạ nên đến đó đào đất, khi sâu một trượng thì gặp pho tượng đá, cao khoảng một trượng. Hiện nay pho tượng được an trí cúng dường.
Lại hỏi:
– Tượng chiên-đàn ở chùa Đại Minh, Kinh châu được cho là do vua Ưu-điền tạo. Căn cứ vào truyện thì tượng ấy được tạc phỏng theo tượng của vua Ưu-điền, rồi thỉnh về đất Lương. Nay ở kinh thành cũng có một tượng như thế, vậy đâu là tượng gốc?
Đáp: Tượng thờ ở chùa Đại Minh là tượng gốc, khi Lương Cao tổ23 (464-549) băng, tượng di chuyển đến một bãi sông ở Kinh châu. Đến niên hiệu Thừa Thánh thứ ba (554) vua Nguyên Đế nhà Chu diệt Lương, tất cả những thuế má, quốc bảo đều về tay Bắc Chu. Lúc ấy, tượng chiên-đàn được tỳ-kheo TăngTrân giấu trong phòng. Trân đã dùng nhiều tài vât tặng cho sứ để được giữ lại tượng.
Đến đời Tùy, niên hiệu Khai Đế thứ chín (589), Văn đế (541-604) sai sứ là Liễu cố đến thỉnh tượng. Chư tăng trong chùa xin để tượng trấn vùng Kinh Sở24. Liễu Cố là người làng này nên thuận theo tăng mà khắc một tượng chiên-đàn khác để đem về phụng chỉ. Lúc đi tìm thợ khắc tượng thì gặp một vị tăng dòng bà-la-môn tên Chân-đạt nhận lời tạo tượng. Tượng ấy tức nay là tượng ở chùa Đại Hưng Thiện, Tây Kinh, tượng này cũng rất linh dị. Tượng cũ tại Kinh châu, chư tăng dùng sơn phủ lên nên tướng hảo không được như xưa (Vốn tượng Phật là tượng đản sinh, nhưng khi sơn phủ thành ra tượng thời thanh niên, rất khác lúc ban đầu). Chùa Đại Minh vốn là trụ xứ của cổ Phật, nên linh tượng chẳng chịu về phương Bắc là vậy.
Gần đây, pháp sư Nghĩa ở chùa Trường Sa là người đức hạnh, thường được chư thiên ủng hộ. Sư nhận ra tượng quí, nên đã bóc lớp sơn lộ ra đường nét chân thật. Việc này làm rúng động lòng tin của mọi người, họ kéo nhau đến chiêm ngưỡng và đỉnh lễ. Tượng bằng gỗ chiên-đàn nguyên khối, không hề chắp nối, viên quang và đài sen rất đặc biệt, nhất là răng tượng, con người chẳng thể làm được. Tượng ở chùaHưng Thiện mỗi mồi chi tiết đều không bằng tượng gốc này.
Lại hỏi: Bên cạnh chùa Tương Tư ở Phù châu có nhiều dấu vết xưa. Lại có chữ triện được khắc ghi vào đó mà chẳng rõ nguyên nhân. Việc ấy như thế nào?
Đáp: Vào thời Phật Ca-diếp có vị thần núi tên là La Tử Minh vốn là người nước Thục. Xưa vị này chính là một tì-kheo trì giới, vì ghét người phá giới nên ông phát lời nguyện ác: ‘Nguyện sau khi chết làm một con quỉ đại ác để ăn thịt người phá giới’. Nhân nguyện ấy mà Tử Minh thụ thân làm vị thần ở núi này.
Vị thần này có rất nhiều quyến thuộc, quản lí một vùng đông tây hơn năm nghìn dặm, nam bắc hơn hai nghìn dặm, mỗi năm ăn thịt hơn vạn người. Vị thần này xưa từng làm anh của Phật Ca-diếp, sau đó làm đệ tử. Phật Ca-diếp thương xót nên đến giáo hóa, Ngài thị hiện rất nhiều thần biến mới điều phục được, lại trao ngũ giới cho thần và khiến biết được kiếp trước. Do đó, thần không ăn thịt người nữa. Sợ sau này thần núi đổi tâm, nên Phật lưu lại dấu vết.
Vua A-dục dựng tháp trên đinh núi này, thần núi bèn giấu tháp ở trong đá, tháp ấy được làm bằng bạch ngọc. Vị thần núi ấy nay vẫn còn.
Lại hỏi: Tại sao chùa Linh Khám, huyện Hưng Ninh, bắc Tuần châu, Nam hải có rất nhiều linh tích?
– Nguyên nhân từ đệ tử của đức Văn-thù. Vị thần núi ở vùng này tạo nhiều nghiệp ác, đức Văn-thù thương xót bèn đến giáo hóa. Vị thần ấy liền biết được túc mạng nên thỉnh đức Văn-thù: ‘Xin Ngài lưu lại dấu tích để con thường lễ kính những dấu tích ấy mà xa rời các điều ác’. Đức Văn-thù bèn vì vị thần mà lưu lại những dấu tích ấy.
Niên hiệu Trinh Quán thứ ba (629), thần núi mạng chung sinh lên cõi trời Đâu-suất. Lại có một vị thần khác đến ở vùng này, là người thân của vị thần trước. Quỉ thần này lại tạo nghiệp ác lớn, vị thần sinh thiên thương xót, nên xuống thỉnh ngài Văn-thù thị hiện linh tích để hóa độ quỉ thần. Sau đó, ngài Văn-thù đã dẫn dắt quỉ thần đi theo chính pháp. Ngày nay, những dấu tích lớn nhỏ ở núi này đều có nhân duyên như vậy.
Lại hỏi: Tượng Phật ở trong động đá phía bắc Thấm châu thường phóng ánh sáng. Tượng ấy xuất hiện bao giờ?
Đáp: Động đá ấy thời Phật Ca-diếp và thời Phật Thích-ca đã có. Ngày xưa, vào thời Chu Mục vương, đệ từ đã tạo tượng Phật Ca-diếp này.
Hỏi: Tương truyền tượng Phật nơi này tạo vào từ thời Ân, hoặc do Chu Chiêu Trang vương, hoặc Lỗ Trang công tạo. Các thuyết này bất đồng, phải xác định thế nào?
Đáp: Những thuyết ấy đều có nguyên do: Vào thời Hạ Kiệt, đệ tử sinh về cõi trời thấy được sự giáo hóa của Đức Phật. Hơn nữa, Phật có ba thân, trong đó pháp thân và báo thân thì phàm phu chẳng thấy, vì để giáo hóa hàng bồ-tát Đăng địa trở lên. Chỉ hóa thân Phật ứng hiện khắp tam thiên, trăm nghìn ức Thích-ca tùy người cảm hiện, trước sau chẳng định, hoặc cuối thời An, hoặc thời Lỗ Trang công. Tất cả đều trong cõi tam thiên, trước sau đồng một pháp giáo hóa, tùy chúng sinh cơ cảm mà hiện, nên thấy chẳng đồng. Nhưng pháp thân, báo thân thì thường vắng lặng, không thể gạn hỏi!
Lại hỏi: Các thụy tượng thấy được ở đất Hán, nhiều người cho rằng là do con gái thứ tư của vua A-dục tạo. Việc ấy quá mờ mịt, cũng khó biết được sự thật?
Đáp: Đó là sự thật, chẳng nên nghi ngờ. Vì con gái thứ tư của vua A-dục tướng mạo xấu xí, đã trưởng thành mà chưa lấy chồng. Cô thường ôm hận về sự xấu xí của mình, nên vẽ tượng Phật giống như thân mình. Vẽ xong, cô lại nghĩ:
– Tướng của Phật vượt hẳn người thường, đâu giống dung mạo của ta?
Cô khổ sầu qua nhiều năm tháng, sau đó cảm Phật hiện thân, bỗng nhiên cô thay đổi hình dạng trở nên xinh đẹp. Khi vua cha hỏi, cô bèn thuật lại điều nguyện cùa mình. Nay các tượng được tôn thờ ở cungNgọc Hoa tại Bắc sơn, chùa Trường Sa ở Kinh châu, chùa Cao li ở Dương Đô và chùa Sùng Kính tại kinh thành đều do con gái thứ tư của vua A-dục tạo. Trên viên quang hay đài sen đều có chữ Phạn, rất ít người Hán đọc được, cho nên không biết nguồn gốc. Vua A-dục bảo các quỉ thần, đem những tượng do con gái họa có cơ cảm ấy lưu truyền khắp nơi để khai ngộ chúng sanh. Vì thế nên nay thấy mặt tượng đều mang nét người nữ”

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 22 – CHƯƠNG NHẬP ĐẠO

QUYỂN 22 Quyển này có một chương Nhập đạo. 13. CHƯƠNG NHẬP ĐẠO 13.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *