Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 2 / PUCL QUYỂN 14 – CHƯƠNG KÍNH PHẬT (tt)

PUCL QUYỂN 14 – CHƯƠNG KÍNH PHẬT (tt)

Đáp: Cả hai vị vua đều có công tạo lập. Xưa, thời Chu Mục vương đã có Phật pháp, núi này là chỗ cư trú của ngài Văn-thù, rất linh dị. Chu Mục dựng chùa ở núi này để cúng dường, A-dục vương cũng an trí tháp ở nơi này. Ngài Ma-đằng là một vị a-la-hán vào thời Hán Minh đế, dùng thiên nhãn thấy được tháp ấy nên xin vua cho dựng chùa. Núi này hình dạng giống chim Thứu nên đặt tên là Linh Thứu. Còn Phu nghĩa là túi, do hoàng đế tin sâu Phật pháp nên lập chùa để khuyến khích mọi người tu hành Phật đạo. Đến thời Nguyên Ngụy, cung điện của Hiếu Văn đế cách Bắc đài không xa nên vua thường đến đây đỉnh lễ. Nay vẫn thấy vết tích của người ngựa còn in trên đá rất rõ, chúng ta có thể kiểm nghiệm.
Hơn nữa, không chỉ riêng Ngũ Đài mới có sự linh ứng mà các ngọn núi danh tiếng như Chung Nam, Thái Bạch, Thái Hoa, Ngũ Nhạc cũng đều có thánh nhân an trú, giữ gìn Phật pháp khiến trụ thế lâu dài. Ở những nơi này có người dâng cúng đã cảm được điềm linh ứng, sự việc được đề cập ở chương khác, không phiền thuật ở đây.
Hỏi: Tượng Phật xuất hiện tại ngọn núi ở huyện Phiên Hòa thuộc tây Lương châu là được tạo vào thời nào?
Đáp: Vào thời Phật Ca-diếp, bồ-tát Lợi-tân thấy mấy vạn gia đình ở vùng núi này không tin nhân quả nghiệp báo, thường tạo nghiệp giết hại, không kính tin Phật pháp, nên bồ-tát tạo dựng già-lam để cứu độ họ. Đại Phạm thiên vương đã tự tay tạo tượng này để an trí trong ngôi già-lam. Tượng vừa hoàn thành, bô-tát vận thần lực khiến tượng giống như Phật thật, cũng đi lại và thuyết pháp giáo hóa. Lúc ấy mọi người tuy được nương nhờ Phật đạo, nhưng còn chẳng tin.
Bấy giờ bồ-tát thị hiện hạnh bố úy tay nâng tảng đá lớn muốn đè bẹp thôn làng ấy. Bồ-tát dương oai khuyến hóa mọi người như thế, họ mới hồi tâm tin kính Phật pháp. Tất cả khí cụ sát sinh đều biến thành hoa sen, dọc ven đường trong làng đều có hoa mọc, giống như con người trồng nên. Lúc này, tượng Phật cũng thâu nhiếp thần lực. Bồ-tát lại khuyến hóa, nên các cư sĩ tạo dựng bảy ngôi chùa ở trên núi này. Phía nam bắc trải dài một trăm bốn dặm; phía đông tây kéo dài tám mươi dặm, khắp núi, hang động nơi nơi đều dựng điện Phật, tăng phòng, trải qua mười ba năm mới hoàn thành. Người xuất gia lúc ấy khoảng hai vạn người, đều ở trong bảy ngôi chùa trên.
Trải qua ba trăm năm, sức hiện nghiệp của những người ấy ngày càng lớn. Xưa họ đã tạo nghiệp ác mà đời này chịu tội nhẹ không đọa địa ngục. Còn những chúng sinh trước kia bị họ giết hại đang ở trong đường ác thú lại phát ác thệ: ‘Người ấy hại tôi, nếu họ chưa thành thánh thì tôi sẽ báo thù. Nếu tôi không hại họ, để đến khi họ dứt nghiệp ác, thì tôi không còn cơ hội báo thù’. Vì thế những chúng sinh ấy đồng phun lửa thiêu đốt chùa chiền và cả làng mạc này. Lúc ấy, chỉ có người canh phòng kẻ gian là thoát được. Nhưng những chúng sinh ấy lại dâng nước dìm chết người này, cho nên cả làng không còn một ai sống sót. Trước lúc chùa bị thiêu cháy, sơn thần đã kịp đem tượng lên không trung. Sau đó, sơn thần lại an trí tượng trong một hang đá để cúng dường. Trải qua năm tháng, đá sinh trưởng khép kín hang động, đến khi sư Lưu Tát Hà đỉnh lễ núi này thì đá nứt, tượng xuất hiện.
Tiền thân của Lưu Tát Hà chính là bồ-tát Lợi-tân. Chuyện đầu và thân tượng ở hai nơi khác nhau được thuật lại ở chương khác.
Hỏi: Thụy tượng ở chùa Long Quang, Giang Biểu tương truyền là do ngài La-thập thỉnh đến, nhưng có người nói gặp được ở Phù-nam. Vậy thuyết nào đúng?
Đáp: Tượng ấy chẳng phải do ngài La-thập thỉnh đến mà do Tống Hiếu Vũ đế18 chinh phạt Phù-namgặp được. Sau khi Phật diệt độ khoảng ba trăm năm, đại a-la-hán Ưu-ba-chất-na người Bắc Thiên Trúc dùng thần lực gia hộ cho thợ đục núi đá lớn, trải qua ba trăm năm mới thành một động năm tầng, cao hơn ba trăm thước để an trí tượng Phật. Đại a-la-hán còn thỉnh bồ-tát Di-lặc chỉ dẫn tạo tượng Phật bằng gỗ chiên-đàn để an trí trong động này. Truyện sư Huyền Trang ghi: “Tượng Phật cao hơn một trăm thước”. Thánh tích kỉ ghi: “Tượng cao tám trượng, dài tám thước, trong sáu ngày trai tượng thường phóng ánh sáng. Lúc mới tạo tượng, a-la-hán đưa thợ lên cõi trời, ba lần như thế mới thành. Tầng thứ hai an trí tượng làm bằng gỗ Ngưu Đầu chiên-đàn, tầng thứ ba an trí tượng bằng vàng, tầng thứ tư an trí tượng bằng ngọc, tầng thứ năm an trí tượng bằng đồng. Tượng mà người dân thường thấy ngày nay chỉ là tầng dưới, bốn tầng trên đã đóng. Động đá chiếu sáng như thấy được cả tạng phủ của con người.
Đến khoảng năm sáu trăm, có a-la-hán Phật Nại-già, người nước Phù-nam. Khi ngài vừa sinh ra thì đã mất mẹ, vì nhớ đến ân mẹ, nên ngài thỉnh một tượng Phật nhỏ bằng gỗ chiên-đàn từ tầng trên của hang động để cúng dường hồi hướng phúc báo cho mẹ. Người mẹ sau khi qua đời thác sinh ở Dương châu, xuất gia ở chùa Tân Hưng, tu tập chứng được quả Tu-đà-hoàn. Tống Hiếu đế chinh phạt nước Phù-nam, thỉnh được tượng này về. Việc này cũng là do thần lực của a-la-hán. Người mẹ lúc ấy vẫn còn sống và thường đi đến các vùng ở phương tây như Thiên Thai, La Phù. Xưa, Pháp Thạnh và Đàm-vô-kiệt hai lần đến Tây Trúc đã ghi thành truyện năm quyển, trong đó có lược thuật về chuyện này. Vì thế, đâu thể vội cho tượng Phật ấy là do ngài La-thập mang đến?
Luật sư Đạo Tuyên nhân đó hỏi:
– Những kinh điển mà pháp sư La-thập phiên dịch, ngày càng nhiều người thích tụng đọc, thụ trì. Vì sao?
– Pháp sư La-thập thông minh, đạt lí Đại thừa, những đệ tử phiên dịch cùng ngài đều là những bậc tuấn kiệt, là bảo vật của một thời, trước sau độc nhất vô nhị, không ai sánh bằng. Những dịch phẩm của ngài lấy đạt ngộ làm chính, hợp với di huấn của Phật. Vị trời đáp.
– Người đời thường cho ngài La-thập lúc ở với Diêu Tần, đã bị Diêu Hưng ép phá giới trọng, như vậy làm sao hợp được ý Phật? Luật sư hỏi.
– Về điều này, hàng phàm phu mê muội chẳng thể suy lường, đâu cần phải luận bàn! Ngài La-thập là bậc đức hạnh cao dày, chứng quả vị Tam hiền19, đương thời ngài giáo hóa sâu rộng, về việc phiên dịch thi lược bớt chỗ rườm rà, thêm vào những điều cònthiếu sót, tùy theo căn cơ mà soạn. Như bộ Đại mười phần giản lược hết chín. Những kinh luận khác cũng như thế mà suy biết. Trải qua các đời, việc tụng đọc kinh này có cảm ứng ngày càng nhiều. Ngài đã thấu hiểu được ý thánh, thật rất khó gặp người như thế. Ngài lại được đức Văn-thù chỉ giáo, nên san định kinh điển đặc biệt tuyệt vời, đâu thể theo ý kiến nhỏ hẹp của mình mà chê bai, bỏ mất nghĩa lí cao sâu mầu nhiệm?
– Tượng đá ở chùa Hiển Tế, Phương châu tạo vào thời nào?_ Luật sư hỏi.
– Tượng ấy do Tần Mục công tạo, nguyên được an trí ở chùa do Chu Mục vương xây dựng. Sau Phật diệt độ, người con gái thứ tư của vua A-dục tạo tượng, lại tạo tháp ở đó để cúng dường. Bấy giờ, nơi chùa ấy có những vị đã chứng Sơ quả, Nhị quả và Tam quả cư trú. Tướng của vua Tần là Do Dư thường đến đó cúng dường. Ngày xưa, vào thời Phật Ca-diếp, sa-di Hiển Tế cùng lập chùa ở đây, đến nay chùa vẫn còn lấy tên cũ.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 22 – CHƯƠNG NHẬP ĐẠO

QUYỂN 22 Quyển này có một chương Nhập đạo. 13. CHƯƠNG NHẬP ĐẠO 13.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *