Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 2 / PUCL QUYỂN 13 – CHƯƠNG KÍNH PHẬT

PUCL QUYỂN 13 – CHƯƠNG KÍNH PHẬT

Vào niên hiệu Vĩnh Hòa thứ hai (346), Thái thú quận Trường Sa là Đằng Tuấn người Giang Lăng đổi nhà thành chùa, lấy tên quận làm tên chùa. Ông đến ngài Đạo An, bấy giờ đang quản lí Phật đạo ở Tương châu thỉnh một vị giám tự.
Ngài Đạo An bảo đệ tử Đàm Dực:
– Quan dân vùng Kinh Sở mới có lòng tin đối với Phật pháp. Người làm cho họ giữ vững tín tâm chẳng phải ông thì ai? ông hãy đến đó!
Dực đi về phía nam, xây dựng suốt một năm thì chùa hoàn tất, tăng đã đủ mà tượng thì chưa có. Sư thường than:
– Tượng của A-dục vương tạo tùy duyên lưu bố khắp nơi, chỉ cần chí thành thì lo gì tượng không xuất hiện?
Sau đó, nghe tượng đến Kinh châu, sư vừa mừng vừa cảm động, nói:
– Tượng này hiện đến là bản nguyện của tôi, nhất định sẽ trở về chùa Trường Sa! Nên biết chỉ có thể dùng tâm để thỉnh cầu, chứ chẳng dùng lực mà chuyển được.
Mọi người đều nói:
– Nhất định như vậy, không lâu sẽ có chứng nghiệm.
Sư thắp hương lễ bái thỉnh cầu, rồi sai ba người đệ tử nâng tượng, tượng nhẹ nhàng nhấc lên, đưa về an trí tại bản tự. Đạo tục đều vui mừng.
Niên hiệu Hàm An thứ hai (372) thời Giản Văn đế, mới đúc thêm đài sen. Khoảng niên hiệu Thái Nguyên (376-396) thời Hiếu Vũ đế, lúc ấy Ân Trọng Kham làm Thứ sử, vào lúc nửa đêm, tượng đi ra từ cửa tây của chùa. Lính tuần tưởng là người, hỏi mà không đáp, chúng liền lấy dao chém thì nghe leng keng, xem mới biết đó là tượng. Nơi ngực, chỗ đâm vào có hàng chữ Phạn hiện ra.
Có lần thiền sư Tăng-già-nan-đà ở Kế-tân biết nhiều hiểu rộng, từ đất Thục đến Kinh châu, vào chùa lễ tượng, nghẹn ngào hồi lâu. Sư Đàm Dực hỏi nguyên do, thiền sư đáp:
– Gần đây ở Thiên Trúc mất tượng, vì sao lại xuất hiện ở nơi xa xôi này?
Xác định năm tháng thì thấy hoàn toàn phù hợp. Phía sau hào quang tượng có chữ Phạn: “Tượng do vua A-dục tạo”. Mọi người biết được, lòng càng thêm kính ngưỡng. Đó là chứng nghiệm việc Đàm Dực tâm thành thỉnh cầu, thánh tượng ứng hiện. Đến lúc Đàm Dực bệnh nặng, viên quang của tượng bỗng nhiên biến mất.
Ngài Đàm Dực nói:
– Phật hiện tướng này, bệnh chắc không thuyên giảm, viên quang đa đến nơi khác làm Phật sự!
Mười ngày sau sư viên tịch. Sau đó, chư tăng phỏng theo viên quang ấy mà đúc cái khác.
Vào thời Hiếu Vũ đế (454-457) nhà Tống, tượng này phóng ánh sáng rực rỡ khiến Phật pháp ở Giang Đông phát triển hưng thịnh một thời.
Niên hiệu Thái Thủy cuối cùng (466) thời Minh đế nhà Tống, tượng bỗng nhiên rơi lệ, chẳng bao lâu Minh đế băng. Vua kế vị cuồng bạo, nên Tề đã thay Tông. Thứ sử Kinh châu là Thâm Du Chi vôn không tin Phật pháp, tiến hành sa thải tăng ni. Chùa Trường Sa có hơn một nghìn vị tăng, đã phải hoàn tục mấy trăm người. Mọi người sợ hãi, già trẻ đều khóc than.
Một hôm, tượng bỗng nhiên toát mồ hôi suốt năm ngày không dứt. Thứ sử hay tin triệu pháp sư Huyền Sướng đến hỏi nguyên do. Sư nói:
– Bậc Thánh thấu tỏ nỗi lo của chúng sinh, chẳng luận là nơi xa xôi, hay chốn tối tăm. Chư Phật trong ba đời quá khứ, tương lai và hiện tại đều nhớ nghĩ đến nhau, lẽ nào Phật nay chẳng nghĩ đến chư Phật? Vì muốn khuyên đàn việt bỏ tâm bất tín Phật pháp nên hiện điềm này.
Thứ sử hỏi:
– Căn cứ vào kinh nào mà sư nói như thế?
Sư đáp:
– Căn cứ vào kinh Vô Lượng Thọ.
Thứ sử cầm kinh tìm xem đọc, thấy đúng như vậy. Ông hết sức vui mừng, liền cho dừng việc sa thải tăng ni.
Vào niên hiệu Vĩnh Nguyên thứ hai (500) nhà Tề, khi Trấn quân19 Tiêu Dĩnh Trụ và Lương Cao tổ cùng thứ sử Kinh châu Nam Khương vương Tiêu Bảo Dung khởi nghĩa, tượng bỗng nhiên đi ra ngoài chính điện, sắp bước xuống thềm. Hai vị tăng thấy thế kinh ngạc kêu lên, tượng trở lại vào điện. Ba năm sau, Tiêu Dĩnh Trụ chết đột ngột, Tiêu Bảo Dung bị phế, rồi bằng lòng theo Cao tổ.
Đời Lương, niên hiệu Thiên Giám cuối cùng (519), sư trụ trì Đạo Nhạc cùng một cư sĩ quét dọn xung quanh rồi mở cửa tháp, thấy tượng đi nhiễu quanh khám. Đạo Nhạc bí mật lễ bái, không tiết lộ lời nào. Đến khi sư khai đường, tượng lại xuất hiện tại tòa.
Đời Lương, Bá Dương vương cai quản Kinh châu, thường thỉnh tượng vào thành mong tạo công đức lớn. Khi lâm bệnh, ông lại rước tượng, nhưng nhiều lần nhấc mà tượng chẳng lay động. Vài ngày sau, ông qua đời.
Xưa Cao tổ ở Kinh châu, từng sai người thỉnh tượng nhưng chẳng hề được, dù rất thành tín.
Tháng ba niên hiệu Trung Đại Thông thứ tư (532), vua sai vị tăng ở chùa Bạch Mã là Tăng Tấn và quan Chủ thư20 Hà Tư, từ xa mang hương hoa đến chí thành cúng dường tôn tượng. Đêm ấy tượng phóng ánh sáng tựa như đi theo sứ. Sáng sớm, mọi người nâng lên thì tượng không động, lại chí thành cầu thỉnh thì tượng mới thuận cho rước về. Thấy vậy, tứ chúng đều luyến tiếc, mến mộ, tiễn tượng ra tận bến sông.
Vào ngày hai mươi ba, tượng đến Kim Lăng, cách kinh đô mười tám dặm, vua đích thân đi đến đón. Suôt đường đi, tượng liên tục phóng ánh sáng. Đạo và tục vui mừng ca ngợi là chưa từng có. Tôn trí tượng trong cung ba ngày (có chỗ nói lưu tượng ở chùa Trung Hưng) thành tâm cúng dường, tổ chức đại hội Vô Giả21 hai mươi bảy ngày, rồi từ cửa chính thỉnh tượng đến chùa Đồng Thái.
Đêm ấy, tượng phóng luồng ánh sáng lớn. Vua hạ chiếu xây dựng điện thờ ba gian hai sảnh ở phía đông bắc chùa Đông Thái, đặt tòa báu có treo màn để tôn trí thụy tượng22. Lại đúc hai tượng bồ-tát bằng đồng, cho đắp núi, đào ao, bắt cầu treo, trồng cây cảnh, xếp đá quí, dựng lan can, xây thềm hai bên điện. Lại đúc hai cái vạc đồng, mỗi cái sức chứa khoảng ba mươi hộc. Ba mặt xây dựng lầu gác bao quanh, hùng vĩ rực rỡ.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 22 – CHƯƠNG NHẬP ĐẠO

QUYỂN 22 Quyển này có một chương Nhập đạo. 13. CHƯƠNG NHẬP ĐẠO 13.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *