Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 1 / PUCL QUYỂN 9 – CHƯƠNG THIÊN PHẬT

PUCL QUYỂN 9 – CHƯƠNG THIÊN PHẬT

– Trên đinh đầu Như Lai tự nhiên có nhục kế do vào thời quá khứ Ta cung kính phụng các bậc hiền thánh, lễ bái các bậc tôn trưởng.
– Thân Như Lai mềm mại, tuyệt đẹp, do vào thời quá khứ Ta luôn có tâm niệm gom nhóm tạng pháp.
– Thân Như Lai màu vàng ròng, do vào thời quá Ta thường cúng dường y phục, ngọa cụ.
– Mỗi lỗ chân lông trên thân Như Lai chỉ một cộng lông, do vào thời quá khứ Ta thường xa lìa những nơi đông người, ồn náo.
– Lông trên thân Như Lai đều xoay về chiều phải, do vào thời quá khứ Ta tôn kính thầy, cúi đầu nghe theo lời chỉ dạy của thiện hữu tri thức.
– Tóc trên đầu Như Lai màu xanh, do vào thời quá khứ Ta thương yêu chúng sinh không dùng dao, gậy làm hại họ.
– Thân Như Lai ngay ngắn, tròn đầy, không cong vẹo, do vào thời quá khứ Ta dùng thân mình giáo hóa chúng sinh làm cho họ an ổn và được định ý
– Xương sống của Như Lai giống như những mắc xích lớn, có đức tướng vòi vọi, là do vào thời quá khứ Ta vì các bậc Chính Giác tạo lập hình tượng, tu sửa chùa tháp. Nếu Ta gặp những người nào li tán thì khuyên họ hòa hợp và ban cho sự vô ủy. Nếu gặp những tranh tụng, thì ta khuyên bảo giúp họ hòa thuận.
Đức Phật bảo các thầy tì-kheo: “Các ông muốn biết chăng? Vào thời quá khứ Ta đã gieo trồng, tíchtập vô lượng cội công đức, không thể tính kể. Nhiều kiếp trước Như Lai đã tạo những công đức như thế, nên nay thành tựu ba mươi hai tướng đại nhân”.
Như tướng thứ hai mươi hai là tướng Phạm thanh, luận Tân-bà-sa ghi: “về Phạm âm của Như Lại, là do trong yết hầu của Phật có diệu đại chủng, giúp phát âm thanh hòa nhã, làm vui lòng người, giống như chim yết-la-tần-ca phát ra âm thanh vang vọng sâu xa, giống như tiếng trống của trời Đế Thích. Những âm thanh như thế có đầy đủ tám đặc tính: sâu xa, hòa nhã, rõ ràng, vui tai, nhập tâm, sinh niềm vui, dễ hiểu, không chán”.
Luận Đại tri độ ghi: “Âm giọng của Như Lai giống như tiếng cùa Phạm thiên có năm đặc tính: một, vang rất sâu, giống như tiếng sấm; hai, trong và vang xa, người nghe đều vui vẻ; ba, nhập tâm và kính ưa; bốn, nghe rõ, dễ hiểu; năm, muốn nghe mãi không chán. Âm giọng của Bồ-tát cũng có năm đặc tính như thế, giọng tiếng Ca-lăng-tì-già đáng ưa, như tiếng trống trời, vang xa và vọng rất sâu”.
Luận Tân-bà-sa ghi:
Hỏi: Tướng có nghĩa là gì?
Đáp: Tướng có nghĩa là sự biểu hiện ra bên ngoài, sự thù thắng và điềm lành.
Hỏi: Vì sao bậc trượng phu chỉ có ba mươi hai tưởng không tăng, không giảm?
Hiếp tôn giả nói:
– Nếu tăng hoặc giảm thì phát sinh nghi ngờ, chỉ đúng ba mươi hai thì mới hợp pháp tướng. Sở dĩ nói ba mươi hai tướng là vì thế gian đã cùng chấp nhận. Đó là nghĩa của kiết tường, số lượng không thể tăng giảm. Nếu có ba mươi hai tướng trang nghiêm thân Phật thì mới tối thắng nhất ở thế gian, không ai sánh bằng. Nếu giảm thì thiếu, nếu tăng thì loạn. Cả hai trường hợp đó đều không hoàn hảo. Cho nên chỉ có ba mươi hai tướng trượng phu như thế.
Luận Trí độ ghi:
Hỏi: Ba mươi hai tướng là chủng tử củanghiệp nào trong ba nghiệp?
Đáp: Thuộc ý nghiệp chứ không phải thân, khẩu nghiệp, vì ý nghiệp nhạy bén. Cũng thuộc chủng tử ý thức trong sáu thức chứ chẳng phải năm thức kia. Vì năm thức kia không có khả năng phân biệt.
Hỏi: Chủng tử ba mươi hai tướng bao lâu mới thành tựu?
Đáp: Chậm nhất là một trăm kiếp, nhanh nhất là chín mươi mốt kiếp. Bồ-tát Thích-ca Mâu-ni tu hành suốt chín mươi mốt đại kiếp mới thành tưu được ba mươi hai tướng ấy.
Như kinh ghi: “Vào thời quá khứ lâu xa có Đức Phật Phất-sa xuất hiện ờ đời. Lúc ấy, có hai vị bồ-tát là Thích-ca Mâu-ni và Di-lặc. Đức Phật Phất-samuốn quán sát tâm của bồ-tát Thích-ca Mâu-ni đã thuần thục hay chưa. Đức Phật Phất-sa quán sát thì biết tâm của bồ-tát Thích-ca Mâu-ni chưa thuần thục, nhưng các đệ tử của bồ-tát Thích-ca đều đã thuần thục. Đức Phật Phất-sa lại quán sát tâm của bồ-tát Di-lặc thì thấy đã thuần thục, nhưng đệ tử của bồ-tát Di-lặc, tâm chưa thuần thục.
Đức Phật Phất-sa lại suy nghĩ: ‘Điều phục tâm của một người thì mau thành, điều phục tâm của nhiều người thì rất lâu’. Thế là Ngài muốn khuyến hóa bồ-tát Thích-ca mau đạt được quả Phật, nên vào hang báu trên đỉnh núi Tuyết nhập Hỏa định. Khi ấy, bồ-tát Thích-ca là một tiên nhân ngoại đạo, lên núi hái thuốc, thấy Phật Phất-sa ngồi trong hang báu nhập Hỏa định, phóng ánh sáng rực rỡ, liền sinh tâm hoan hỉ, kính tin, đứng một chân, chắp tay nhất tâm chăm chú nhìn Phật Phất-sa không chớp mắt. Trải qua suốt bảy ngày bảy đêm, rồi dùng kệ ca ngợi Đức Phật Phất-sa:
Chư thiên và loài người
Không có ai bằng Phật
Trong thế giới mười phương
Cũng không ai sánh bằng.
Loài người ở thế gian
Con đều đã thấy biết
Nhưng không có một ai
Sánh bằng Đức Phật đây.
Bồ-tát Thích-ca chăm chú nhìn Đức Phật Phất-sa suốt bảy ngày bảy đêm không chớp mắt, nên vượt chín kiếp, đắc A-nậu-bồ-đề ở kiếp thứ chín mươi mốt. Bồ-tát Thích-ca chỉ chú trọng đến việc dụng tâm tư duy, chứ không xem trọng việc nói nhiều. Bồ-tát suy nghĩ: ‘Nếu dùng thêm những bài kệ khác nữa khen ngợi Phật thì tâm sẽ tán loạn’. Vì thế, trong bảy ngày bảy đêm chỉ nói duy nhất một bài kệ.
Hỏi: Vì sao bồ-tát Thích-ca tâm chưa thuần thục mà đệ tử của Ngài tâm đã thuần thục; bồ-tát Di-lặc tâm đã thuần thục mà đệ tử của Ngài tâm chưa thuần thục?

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 6 – CHƯƠNG LỤC ĐẠO (tt)

QUYỂN 6 Quyển này tiếp theo chương Lục đạo. 4. CHƯƠNG LỤC ĐẠO (tt) 4.4. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *