Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 1 / PUCL QUYỂN 6 – CHƯƠNG LỤC ĐẠO (tt)

PUCL QUYỂN 6 – CHƯƠNG LỤC ĐẠO (tt)

QUYỂN 6
Quyển này tiếp theo chương Lục đạo.
4. CHƯƠNG LỤC ĐẠO (tt)

4.4. QUỈ THẦN
4.4.1. Lời dẫn
Tính của quỉ thần chỉ thích việc yêu tà, ở chốn tối tăm mang nhiều tội lỗi. Có loài ở vách núi thẳm, hoặc có loài nương nơi rừng sâu, khe hiểm, non cao; hoặc ở vùng hoang vu, đồng vắng, phát ra các âm thanh quái lạ, hiện nhiều hình thù kì dị, làm rúng động lòng người, doạ sợ muôn vật. Loài này, dù có uy quang cũng chỉ là hiện tướng quái lạ hư giả, hoặc hiện thân chim cá mà mặt người lòng thú, hoặc trỗi nhạc đàn ca, hoặc rung linh vỗ trống. Các loài như thế, chúng ta cũng nên thay cho chúng mà sám hối.
Lại có kẻ thờ trong đền miếu ở chín châu, trong linh từ của vạn quốc, nào là Thái Bá ở Cô Tô, Quí Tử ở Diên Lăng, Văn Mệnh ở Vũ Xuyên; hoặc làm chúa nơi hang đầm, hoặc Thuỷ Nhược-Sơn Tinh, thần mưa thần gió, các thần sầm chớp; hoăc kẻ hết phúc lộc mất ngôi hầu, hoặc kẻ cưỡi trúc làm rồng bay, hoặc cưỡi chim thay tiên hài; hoặc kẻ thân nương nơi đền miếu, hình gá trên lầu cao; hoặc tuôn mưa mà đến đi, hoặc phân gió mà lên xuống; cho đến Hoàng đầu đại tướng, hoặc Châm phát qui thần, hoặc túc-lợi-mật-đa, lặc-na-xí-xá, hoặc cưu-bàn-trà, hoặc loài la-sát cùng ba nghìn quyến thuộc, năm trăm đồng đảng. Các loài này chúng ta cũng nên thay cho họ mà sám hối.
Lại có kẻ tội chướng cực trọng, đó là ngạ quỉ, ánh mắt như điện chớp, cổ nhỏ như cây kim, chưa từng nghe đến danh từ nước, vĩnh viễn đoạn tuyệt vị cơm canh, các chi trên thân đồng thời phát hỏa, khi di chuyển như năm trăm cỗ xe chấn động. Ngày hôm nay đồng nhuần thấm căn lành; nên nguyện cho loài quỉ đói được được thức ăn uống tự nhiên, yêu mị quỉ thần chẳng còn xu phụ, lại còn làm rạng rỡ Phật pháp, ủng hộ thế gian, bảo vệ kinh tượng, cúng dường dài lâu, ghi điều thiện, chép điều ác, để được mãi mãi huân tu.
4.4.2. Giải thích danh từ quỉ
Luận A-tì-đạt-ma Tì-bà-sa ghi:
Hỏi: Vì sao gọi là quỉ?
Đáp: Theo luận Lập thể : “Qui, tiếngPhạn gọi là Thiểm-đa; vì vua Diêm-ma tên là Thiểm-đa, quỉ đồng loại sinh với Diêm-ma, nên cũng gọi là Thiểm-đa. Lại có thuyết cho rằng đối với các cõi khác, quỉ thường qua lại, thiện ác đều có liên quan, nên gọi là Thiểm-đa”.
Hỏi: Vì sao gọi quỉ là Bế-lệ-đa?
Đáp: Theo luận Thi thiết: “Như ngày nay, vua của thế giới quỉ gọi là Diêm-ma, cũng vậy, vào kiếp sơ vua của thế giới quỉ có tên là Bỉ-đa. Vì thế, các hữu tình đến nơi ấy, sinh vào cõi ấy đều được gọi là Bế-lệ-đa, đây là hàm nghĩa hiện hữu trong cõi Bỉ-đa. Từ đó về sau đều gọi qui theo tên này”.
Có thuyết cho rằng do tạo tác, làm tăng trưởng, nuôi lớn mạnh tâm tham lam bòn xẻn và các hành vi ác của thân miệng ý mà sinh vào cõi quỉ, chiêu cảm nghiệp đói khát, trải qua trăm nghìn năm không nghe đến danh từ cơm nước, nói gì thấy, cho đến xúc chạm; loài này bụng lớn như núi, cổ nhỏ như cây kim, dù gặp thức ăn uống, nhưng không thê thụ dụng.
Có thuyết cho rằng do bị sai khiến, nên gọi là quỉ. Tức luôn bị chư thiên sai khiến, chạy rảo khắp nơi. Lại vì có mong cầu, nên gọi là quỉ, tức trong năm đường, không có loài nào mong cầu ở các hữu tình khác nhiều bằng loài này”.
Trong luận Bà-sa còn giải thích quỉ là úy, tức sợ hãi. Bởi loài này tính khiêp nhược, hay lo sợ. Lai nói quỉ tức mong cầu, vì loài này luôn cầu xin thức ăn uống từ các hữu tình khác để nuôi sống thân mạng.
4.4.3. Trụ xứ của quỉ
Luận Bà-sa nói ngạ quỉ có hai trụ xứ là chính và phụ. về trụ xứ chính thì có nhiều thuyết khác nhau. Trong luận này nói cõi nước của ngạ qui nằm sâu dưới Diêm-phù-đề năm trăm do-tuần, do Diêm-la vương cai quản. Kinh Thiện Sinh ưu-bà-tắc cũng đồng với luận này, và cho rằng sâu dưới năm trăm do-tuần của cõi Diêm-phù có thành của Diêm-la quỉ vương, chu vi bảy vạn năm trăm nghìn do-tuân. Diêm-la vương trụ trong thành này thống lãnh chúng quỉ. Kinh Ngũ đạo khổ nói loài ngạ quỉ chính trụ ở khoảng giữa hai núi Thiết Vi. Cho nên có bài kệ:
Giữa hai núi Thiết Vi
Tối tăm không nhật nguyệt
Ngạ quỉ sống trong đó
Đền trả tội ngày xưa.
Trụ xứ phụ, luận Bà-sa nói có hai trường hợp, nếu là loài ngạ quỉ có uy đức thì ở trong hang núi, hoặc trên hư không, hoặc vùng bờ biển, mỗi nơi đều có cung điện, có phúc báu hơn loài người. Còn loài không có uy đức thì không có nhà cửa, chỉ ở những nơi dơ dáy, hoặc nương đầu cỏ ngọn cây, hoặc nghĩa địa, hoặc nhà xí, đồng hoang… phúc báo kém hơn loài người. Luận ấy cũng cho rằng, khắp bốn thiên hạ đều có trụ xứ của quỉ; trong đó hai phương đông tây có đủ trụ xứ của hai loại, phương bắc chỉ có trụ xứ của loài quỉ uy đức, vì quả báo tốt hơn nên được trụ nơi đây. Cho đến cõi Đao-lợi cũng có quỉ thần uy đức cư trú, vì để chư thiên sai khiến, nhưng trên cõi này thì không có trụ xứ của loài quỉ.
Cho nên luận Bà-sa bản tân dịch ghi: “Trên cõi Tứ Thiên Vương và Đao-lợi chỉ có các loài quỉ uy đức lớn cư trú, lãnh nhiệm vụ giữ cửa, đi tuần, dẫn đường, lao dịch”. Có thuyết nói phía tây châu Thiệm-bộ có năm trăm bãi đất, tạo thành hai hàng riêng biệt, trong đó có năm trăm thành, một nửa là trụ xứ của quỉ uy đức, một nửa là của quỉ không uy đức. Cho nên, ngày xưa chuyển luân vương Nhĩ-di nói với người đánh xe Ma-đát-lợi:
• Ta muốn du lãm, ngươi cho xe xuất phát từ đây, đi khắp nơi để ta xem các hữu tình thụ báo thiện ác!
Ma-đát-lợi vâng lệnh, khi dẫn xe đi qua hai bãi đất, Luân vương thấy các qui thần uy đức, đầuđội vòng hoa, mặc thiên y, ăn thức ăn ngon như cõi trời, cưỡi xe voi, xe ngựa dạo chơi khắp nơi. Luân vương lại thấy loài quỉ không có uy đức, đầu tóc rối bời, thân không mảnh vải, dùng tóc che hình, sác diện tiều tụy, tay cầm bát sành xin ăn khắp nơi. Thấy thế, luân vương càng tin sâu nghiệp quả thiện ác.
Hỏi: Hình dáng loài quỉ như thế nào?
Đáp: Phần lớn giống như loài người, nhưng trong đó cũng có loài đi ngang, mặt giống heo, hoặc giống các loài cầm thú khác như các hình vẽ trên vách ngày nay.
Hỏi: Ngôn ngữ thế nào?

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 7 – CHƯƠNG LỤC ĐẠO (tt)

QUYỂN 7 Quyển này tiếp theo chương Lục đạo. 4. CHƯƠNG LỤC ĐẠO (tt) 4.6. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *