Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 2 / PUCL QUYỂN 11 – CHƯƠNG THIÊN PHẬT (tt)

PUCL QUYỂN 11 – CHƯƠNG THIÊN PHẬT (tt)

Bỗng chốc sức tàn khổ đời sau
Kinh Bản hạnh ghi: “Bồ-tát nói kệ:
Như cùng ở lâu trong ân ái
Thời đến mạng hết phải biệt li
Biết được vô thường trong thoáng chốc
Nên tôi vĩnh viễn muốn xa lìa ”.
5.12.3. Học định
Luật Tứ phần ghi: “Bấy giờ, bồ-tát đến chỗ A-lam-ca-lam học định Bất dụng xứ, ngài tu tập tinh tiến, không lâu chứng đắc được định này. Thế rồi, Bồ-tát đi đến chỗ ông Ưất-đầu-lam học định Hữu tưởng vô tưởng, ngài tu tập tinh tiến, không lâu chứng đắc pháp này. Lúc ấy, bồ-tát nghĩ: ‘Hai định này chẳng phải niết-bàn, chẳng phải là chỗ vĩnh viền bặt dứt phiền não’. Chẳng vừa lòng với pháp ấy, bồ-tát bèn rời hai vị đạo nhân đi tìm pháp thù thắng. Pháp thù thắng mà bồ-tát cần tìm chính là pháp vô thượng vĩnh viễn bặt dứt phiền não. Lúc ấy có năm người đi theo bồ-tát nghĩ thầm: ‘Nếu bồ-tát thành đạo thì sẽ nói pháp cho chúng ta”’.
Kinh Phật bản hạnh ghi: “Tiên nhân A-ca-la bảo bồ-tát:
– Phàm phu do dính mắc nơi tham dục nên chịu các khổ như trói buộc… Tất cả đều do đắm trước trần cảnh mà như thế.
Thế rồi, tiên nhân nói kệ:
Sơn dương bị giết vì tiếng kêu
Thiêu thân vào đèn do màu lửa
Con cá cắn câu vì miếng mồi
Người chết do cảnh dục kéo lôi ”.
Luận Tân Bà-sa ghi: “Khi còn làm bồ-tát, Đức Phật đã nhàm chán lão, bệnh, tử, vượt thành Kiếp-ti-la-phạt-tốt-đổ cầu trí vô thượng. Bấy giờ, vua Tịnh Phạn sai năm người họ Thích đi theo hầu. Trong số đó, hai người thuộc họ mẹ, ba người thuộc họ cha. Hai người thuộc họ mẹ chấp rằng hưởng lạc sẽ được thanh tịnh; ba người thuộc họ cha cho rằng khổ hạnh sẽ được thanh tịnh. Vì thế, lúc bồ-tát tu khổ hạnh hai người thuộc họ mẹ không chịu được liền bỏ đi. Sau đó, bồ-tát biết khổ hạnh là con đường sai lầm, nên bỏ hạnh này, ngài trở lại thụ thực, uống sữa, dùng dầu xoa thân, tu tập hạnh xử trung. Do đó ba người thuộc họ cha đều cho rằng Bồ-tát cuồng loạn thất chí, lại cũng bỏ đi. Sau khi thành đạo Thế Tôn nghĩ: ‘Năm người này đều là thân thuộc của cha mẹ ta, trước đây họ đã cung kính cúng dường ta, nay ta muốn báo ân mà chẳng biết họ nơi nào?’. Chư thiên liền bạch: *
– Nay họ đều ở tại vườn Nai, nơi của các tiên nhân, thuộc nước Bà-la-ni-tư.
– Vì sao tên là Bà-la-ni-tư?
– Đây là tên một dòng sông. Thành này cách sông không xa, nên thành cũng có tên Bà-la-ni-tư.
– Vì sao nơi ấy gọi là Tiên Nhân Luận xứ?
Đáp: Có hai thuyết: một, vì Phật là bậc tiên nhân tối thắng, các Ngài đều sơ chuyển pháp luân nơi đây nên gọi chỗ này là Tiên nhân luận xứ. Hai: Có thuyết cho rằng chư Phật không nhất định chuyển pháp luân nơi đây, nên nói nơi đây là Tiên Nhân trụ xứ. Bởi vì Phật xuất thế thì có Phật đại tiên và chúng thánh tiên đệ tử an trú. Phật không xuất thế thì có bậc độc giác tiên ờ đây. Nếu không có bậc độc giác thì có tiên nhân ngũ thông ở. Vì nơi này thường có chư tiên đã ở, đang ở và sẽ ở nên gọi là Tiên Nhân trụ xứ.
Còn có thuyết cho rằng nên gọi nơi đây là Tiên Nhân đọa xứ, vì ngày xưa có năm trăm vị tiên đang bay trên không trung khi ngang qua đây gặp nhân duyên xấu nên rơi xuống.
– Vì sao gọi là vườn Nai?
Đáp: Ở vườn này thường có đàn nai sinh sống, nên gọi là vườn Nai. Xưa có vua tên Phạm-đạt-đa dành khu vườn này cho đàn nai sinh sống, nên gọi nơi này là vườn Nai. Như trưởng giả Yết-lan-đạc-ca ở trong rừng trúc thuộc thành Vương Xá đào một cái ao cho chim Yết-lan-đạc-ca đùa giỡn, nhân đó gọi ao ấy là ao Yết-lan-đạc-ca. Ở đây cũng như thế, nên gọi là vườn Nai.
5.12.4. Khổ hạnh
Bấy giờ, bồ-tát đến vườn Nai, chỗ của năm anh em Kiều-trần-như để tu khổ hạnh. Trải qua sáu năm, bồ-tát nhịn đói, thực hành lối sống hết sức khắc nghiệt, hơn cả thầy mình, nhưng không đắc đạo, chỉ uổng công nhọc xác. Vì thế, kinh Niết-bàn ghi: “Bồ-tát dùng pháp khổ hạnh để dứt trừ tâm tham dục, ngày ăn một hạt mè, trải qua bảy ngày như thế. Bồ-tát ăn hạt gạo, hạt đậu hồng, hạt gai, hạt kê, cho đến hạt đậu trắng, mỗi thứ bảy ngày. Bồ-tát tu khổ hạnh lâu ngày khiến thân thể khô gầy, chỉ còn da bọc xương, như trái bầu đem phơi ngoài nắng, mắt của bồ Tát hõm sâu như đáy giếng. Thịt tiêu, gân lộ như nhà tranh hư mục, xương sống lồi lên như sợi dây thừng. Chỗ bồ-tát ngồi như dấu chân ngựa, muốn ngồi thì mọp xuống, muốn đứng thì ngã nghiêng. Tuy chịu sự khổ vô ích như thế, mà Bồ-tát vẫn không lui sụt tâm Bồ-đề”.
Kinh Bồ-tát xử thai ghi: “Phật bảo bồ-tát Khổ Hạnh: Xưa Ta chịu vô số hạnh khổ, trải qua sáu năm tu khổ hạnh bên bờ sông Ni-liên, ngày ăn một hạt mè, hạt gạo. Việc này là do trong một kiếp quá khứ Ta đã phạm bốn lỗi của miệng, làm cho vị duyên giác không được cúng dường, nên phải chịu quả báo nhẹ như thế”.
Kinh Đại tập ghi: “Bấy giờ, bồ-tát Quang Vị nói kệ với đại chúng:
Thế Tôn quá khứ hằng sa kiếp
Bố thí cúng dường nhiều vô lượng
Trì giới thanh tịnh và nhẫn nhục
Tinh tiến, tọa thiền, hành trí tuệ
Làm cho chúng sinh thảy an lạc
Vô số gian khổ đều nhẫn chịu.
Sáu vạn mĩ nữ hầu trong cung
Rũ bỏ xuất gia như cởi giày
Một mình sáu năm tu khổ hạnh
Ngày ăn một hạt mè hoặc gạo.
Đêm ngày tinh tiến chẳng hề ngủ

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 22 – CHƯƠNG NHẬP ĐẠO

QUYỂN 22 Quyển này có một chương Nhập đạo. 13. CHƯƠNG NHẬP ĐẠO 13.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *